Art Lasovsky/ Unsplash
Trở về chính mình

P1. CÂU CHUYỆN CỦA TÔI- MY ASTONISHING STORY



Tôi cũng giống như các bạn, tốt nghiệp ra trường xin việc làm. Năm đầu tiên, tôi may mắn được làm việc trong một công ty lớn. Công ty có rất nhiều tầng, tường, vách ngăn được làm bằng những tấm kính dày. Nhân viên thì mặc những bộ áo công sở rất sang trọng. Đây là hình ảnh môi trường làm việc mà một sinh viên mới ra trường như tôi hằng mơ ước.

Vì vậy, tôi cố gắng làm việc, học hỏi, giao tiếp với mọi người để trau dồi năng lực bản thân, cống hiến nhiều hơn. Những việc mà mọi người không muốn làm, tôi điều làm. Những nơi mà mọi người không muốn đi, tôi điều đi. Tôi biết tôi cần kinh nghiệm và đây là cơ hội quý báu cho tôi làm điều đó. Tôi nhiệt huyết, năng động, hăng say, làm việc không bao giờ mệt mỏi và tôi yêu thích điều đó. Như tôi mong muốn, tôi nhận lại được những kiến thức và bài học kinh nghiệm vô cùng giá trị.

Ảnh: Sebastian HerrmannUnsplash

Nửa năm sau, tôi hoàn toàn nắm vững nghiệp vụ, tự tin giao tiếp trong môi trường làm việc. Từ đó, tôi tiếp tục cống hiến và phát triển bản thân. Tuy nhiên, cũng như bao bạn trẻ, vì có tính thích nghi và học hỏi nhanh. Sau một năm tôi bắt đầu cảm thấy công việc không còn mới mẻ và thú vị.

Một vài bạn sẽ lựa chọn tiếp tục ở lại và phấn đấu. Còn tôi, tôi quyết định tìm kiếm một con đường khác, một công việc về quản lý con người. Lúc ấy tôi cho rằng tuổi trẻ không được lãng phí. Không nên đợi người khác trao cho ta cơ hội, mà cơ hội phải tự mình tìm lấy.

Ảnh: Remy GielingUnsplash

Tôi được giao cho công việc: quản lý công nhân viên, máy móc, chất lượng sản phẩm trên dây chuyền sản xuất. Đây vô tình là một cơ hội tốt đẹp để tôi trau dồi khả năng quản lý của mình.

Trong thời gian thử việc của tôi, cũng là lúc nhà máy tiến hành triển khai dự án sản xuất mới. Không biết có phải do sự năng nổ trong công việc hay không. Hoặc một lý do nào đó, nên tôi được giao cho phụ trách tổ bộ phận mới. Và tôi hoàn toàn yêu quý công việc, dấn thân hết mình vào nó.

Vì là sản phẩm mới, tôi cũng là người mới đang trong thời gian thử việc. Nên rất nhiều công việc và vấn đề xảy đến, tôi phải tự mình giải quyết. Tôi là người giám sát trực tiếp nên những vấn đề phát sinh tôi đều phải có mặt. Không những thế, phải đối mặt với nhân sự thiếu tay nghề, thời gian thử nghiệm máy móc và sản phẩm kéo dài. Nên công việc của tôi bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 10 giờ tối, thậm chí có những ngày kéo dài đến 12 giờ đêm.

Sau gần nửa năm như vậy mọi thứ cũng dần ổn định. Công nhân có tay nghề hơn, các sự cố máy móc gần như được khắc phục và mọi thứ dần đi vào quỹ đạo. Tôi cũng được thả lỏng. Những dây chuyền khác khi cần người hỗ trợ, tôi hoàn toàn có thể qua lại, phụ giúp quản lý. Bởi vì, nhà máy có rất nhiều công đoạn sản xuất nên tôi được thử thách rất nhiều. Lúc này, tôi hoàn toàn “love what you do”.


Tôi là kiểu người công ty trả 5 đồng, nhưng làm theo kiểu 15 đồng. Đơn giản tôi nghĩ rằng tuổi trẻ nên làm việc, khi có nhiều cơ hội thì nên trải nghiệm để học hỏi nhiều hơn. “Nói ngắn gọn hơn, làm theo kiểu 15 đồng là ‘đam mê‘ hoặc ‘dấn thân’.” – Trích Đúng Việc.

Người không có năng lực thì không nói đến. Nhưng ngược lại, với người có năng lực đó, họ cũng không muốn làm hơn những gì họ được trả. Vì vậy, cũng không thể ép buộc họ dốc lòng để làm những điều mà không được trả tiền để làm những điều đó.

Bạn có thể “dời núi, lấp biển” nhưng không thể nào làm thay đổi được suy nghĩ của một con người. Đặc biệt là người đã sống trong một môi trường quá lâu.”

Ảnh: Samuel Regan-AsanteUnsplash

Khoảng thời gian làm việc tại nhà máy, tôi gặp được những người bạn mới, trãi qua những tình huống dở khóc, dở cười. Thật ra lúc này ý nghĩa cuộc sống của tôi đã thay đổi. Không còn là công việc nữa, mà chú trọng đến những người xung quanh. Tôi muốn giúp đỡ họ, ít nhất trong công việc, đó là tạo có tinh thần làm việc cao. Luôn cố gắng sắp xếp thời gian để họ có thời gian trở về với gia đình.

Tuy nhiên, không đơn giản như tôi nghĩ. Cuộc sống không chỉ có màu hồng, còn có màu vàng, đỏ, xanh, tím,… và những khía cạnh khác nhau. Sự tham lam của con người là vô tận, cùng với sự ganh đua và ích kỷ. Dần dần tôi càng giúp đỡ, mọi người luôn muốn nhiều hơn, ngày càng không thõa mãn những gì đã có. Ngày càng đòi hỏi hơn, khi không được phép lại trở nên ganh tị, trách móc.

Lúc này tôi nhận ra, tôi không kiểm soát được nữa. Ý nghĩa cuộc sống mà tôi hướng đến đã sai ở đâu đó. Những người tôi luôn tin tưởng thì cho rằng tôi thật ngu ngốc khi làm việc cống hiến đến thế. Dần dần tôi thấy mọi thứ thật trở nên xa lạ, không còn động lực để tiếp tục làm việc.

Tôi từng nghe rằng: “Mỗi người có một quỹ đạo cuộc sống riêng, có lúc lên cũng có lúc xuống”. Tôi nghĩ đây là khoảng thời gian mà năng lượng của tôi đang chùn xuống. Và tôi cần thời gian cho riêng mình.

Sau một thời gian rời bỏ công việc, không tiền, không địa vị, không danh tiếng. Tôi đang tự hỏi: “Mình đang làm gì thế này?” Mọi giá trị quan trong tôi bỗng dưng từ đó mà thay đổi.

Từ nhỏ, tôi đã được dạy bảo, phải cố gắng học tập, tốt nghiệp đại học, có một công việc tốt sẽ thành công và hạnh phúc. Nhưng bây giờ tôi không hạnh phúc cũng không thành công.

Làm vì có nhiều tiền, vậy lúc không làm là không còn tiền nữa. Vậy cuộc đời chúng ta phải đi làm trên công ty mãi sao? Rồi đợi đến khi nghỉ hưu chắt chiu từng đồng lương hưu ít ỏi sao? Nếu đi làm vì kinh nghiệm hay danh tiếng, thì khi rời khỏi công việc này tôi còn cần điều đó không? Có địa vị thì sao, khi rời khỏi công ty ai quan tâm đến tôi? Tôi đang làm gì đây? Cả cuộc đời tôi học tập và làm việc để làm gì? Làm 15 đồng được điều gì? Lúc này thật sự là lạc mất phương hướng

Tình trạng này kéo dài mãi, tôi cũng khá lo lắng cho tương lai của tôi. Nhiều lúc, tôi nên bảo mình hay là tìm một công ty khác làm việc sống cho qua ngày. Nhưng nó khiến tôi ngột ngạt khi mà phải làm trong một môi trường “cũ” nữa. Tôi sẽ chết ở độ tuổi 30 mất.

Vậy mà, đến tận bây giờ tôi mới nhận ra, nhờ việc (love what you do) cống hiến hết mình và thất bại từ đó. Nên tôi mới có thể bắt đầu đặt ra những câu hỏi trên. Đồng thời, không hề nao núng và băn khoăn khi làm những việc mà mình yêu thích (do what you love).

Thật ra tôi cũng có định hướng riêng cho mình vài năm trước. Tôi thấy khá thích công việc là một Copywriter vì có tính chất tự chủ, linh hoạt. Nên trong khoảng thời gian tối tăm này, tôi cố gắng học hỏi thêm về Copywriting.

Bạn tưởng lúc này tôi có thể trở mình ư? KHÔNG HỀ!! Với một lối tư duy còn chưa mở. Dù có làm việc mà mình yêu thích đi chăng nữa, tôi luôn thấy mình là nô lệ của công việc. Tôi không hiểu tại sao lại như vậy.

Trải qua hẳn một năm tôi đi tìm kiếm thứ gọi là tự do và hạnh phúc. Bởi vì tôi là một người khi không thông suốt điều gì thì phải tìm cho ra. Nếu không thì không thể tập trung làm bất cứ việc gì khác. Tôi sợ nếu không hiểu được sẽ tiếp tục lầm đường, quay trở về đường cũ. Có thể bản thân sẽ không có cơ hội nhìn lại lần thứ hai.

Thế rồi tôi tập trung viết và thiền. Tôi nghĩ đó là hai thứ mà tôi giỏi nhất cho đến nay. Quan trọng là tôi không cảm thấy mình như là nô lệ của hai điều này. Tôi cảm thấy được tự do khi viết và có thể nhìn sâu hiểu rõ bản thân hơn khi thiền. Hai việc này khiến tôi hạnh phúc và ngất ngây vô cùng.

Dù có khi bị áp lực hay những điều buồn rầu tồi tệ xảy ra xung quanh. Chỉ cần viết và thiền là mọi thứ không những tan biến mà tôi còn có thêm năng lượng tích cực có thể lan truyền đến cho những người xung quanh.

Sau thời gian 2 năm rời bỏ công ty, tập trung vào viết. Tôi cũng dần biết rằng ngành nghề cũ không phù hợp với bản thân. Bởi vì, càng phát triển lên cao tôi càng không hiểu họ đang nói về điều gì. Nhưng đến với viết tôi lại có thể ngất ngây, tự học và mọi thứ ngày càng mở ra.

Thiền sư OSHO từng nói: “Khi ở đỉnh núi bên này, cũng có thể nhìn thấy được đỉnh núi ở phía bên kia.”

Có thể nói vậy, những vấn đề trước kia tôi không hiểu, nhưng giờ đây có thể hiểu thông qua sự sáng tạo khi viết. Những chia sẻ sâu sắc của mọi người, tôi có thể hiểu và cảm nhận. Cái hiểu đó hoàn toàn thông qua sự nhận biết của bản thân. Mà không phải là do cố ý tiếp thu hay ngộ nhận.

Không những thế, tôi nghĩ tôi đã đạt được thành công lớn nhất của tuổi trẻ đó là tìm ra chính mình.

Đây là điều mà tôi không ngờ đến, sau này suy nghĩ tôi mới biết nó quan trọng như thế nào. Tìm ra tiếng nói, lối sống, lối tư duy của chính bản thân mà không bị dao động bởi người khác. Điều mà trước đây tôi luôn thiếu và rất quan trọng với cuộc đời con người.

Trước đây, tôi ấm ức trách mẹ không cho mình một tấm nệm đàng hoàng. Tôi trách tất cả mọi người. Nhưng khi bình tĩnh lại, tôi phải tự trách mình đi chứ. Tại sao không tự kiếm mua cho mình một cái niệm đàng hoàng. Mình đã tuổi trưởng thành rồi, còn trách người khác không chăm sóc tốt cho mình sao.

Nghĩ được như vậy tôi cảm thấy câu chuyện nhẹ nhàng đi. Tự thấy bản thân còn yếu kém, rồi tìm cách khắc phục còn dễ dàng hơn thay vì đỗ lỗi, trách móc người khác.

“Đi 2 lần là vui, đi 3 lần là nô lệ” câu nói này không hiểu sao tôi nghe được khi đang nằm ngủ.

Chắc có thể là do quá áp lực về công việc, hay do tiềm thức không muốn đi làm nữa. Khi tỉnh dậy, nghĩ lại điều này tôi nhận ra một điều: “Làm hai lần là đủ!” Lần thứ nhất nên làm vì sự ham học, lần thứ hai làm vì sự cống hiến. Đã làm hai lần rồi, lần thứ ba phải làm cho chính đam mê, sở thích. Nếu lần này tiếp tục làm trong khuôn khổ cũ nữa, thì phải chăng là nô lệ của nó. Không thể làm gì khác ngoài tiếp tục lệ thuộc vào nó chăng?

Thế giới còn rất rất nhiều điều tươi đẹp nữa. Đừng bó gọn bản thân trong một ngành nghề, một hệ tư tưởng hay một cách sống lối đi riêng. Hãy cảm thấy mình thích cái gì, cứ thử thách đi. Đâu có bị làm sao. Mà dù gì thì cũng không còn gì để mất nữa rồi. Biết đâu con đường phía trước lại tốt đẹp hơn.

Nhưng cũng có thể đi sa sầm vào một cái hang tối lớn hơn. Nhưng mà cũng không ai biết được. Cuối cùng cũng phải đi, cứ mãi ngồi một chỗ cũng ‘chết’, mà đi thì có cơ hội sống sót.

Phải như vậy mới biết được nhiều con đường, lối ra hơn. Như vậy mới có thể cảm thấy tự tin trước những cái mới, cái khó. Chứ mãi dừng chân sẽ có tư tưởng bị chập lùi, cảm thấy tự ti, không có tiếng nói. Và đây mới là lúc đáng sợ nhất. Vì làm cái gì cũng phải nhìn người khác, cho người khác biết một tiếng. Đánh mất sự kiêu ngạo, tự làm chủ bản thân. Đây mới chính là điều đáng sợ nhất.

Đến đây chắc các bạn cũng đã hình dung ra một phần câu chuyện của tôi. Tuy nhiên, cuộc sống còn rất dài, cùng với những bước ngoặt bất ngờ. (Tiết lộ sẽ có những bất ngờ xuất hiện ở Phần 2.)

Nhưng trước hết, câu chuyện Phần 1 cũng là tình cảm của tôi gửi đến tôi ở quá khứ và các bạn.

Khoảng thời gian này là lúc tôi không biết có thể trở lại, tìm ra, sống và giữ được chính mình hay không?

Đi Đi Tâm Hồn sẽ là đứa con tinh thần, giúp tôi hoàn thành điều này. Và đây cũng là sứ mệnh của nó! Mong rằng đứa trẻ này sẽ sớm trưởng thành và phát triển mạnh mẽ!

Tại thời điểm tôi viết bài viết này, tôi cũng đã dần phục hồi khá nhiều về mặt tinh thần. Nhưng tư duy vẫn còn quá non nớt và đang tiếp tục khám phá con đường phía trước.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết khá là dài này.

Rất mong những lời góp ý và động viên từ các bạn.

Viết tạo nguồn năng lượng cho tôi

Bạn cũng có thể thích..